Phát triển bản thân Phát Triển Nghề nghiệp

HÀNH TRÌNH CỦA MỤC TIÊU

Mục tiêu

 

BƯỚC 1:  BẠN PHẢI THỰC SỰ BỊ ÁM ẢNH BỞI ĐIỀU BẠN MUỐN.  ” MỤC TIÊU, MỤC TIÊU, MỤC TIÊU”

Như mình chia sẻ ở bài trước, chúng ta rất hay có những mục tiêu đi lạc, và thường chẳng biết mục tiêu đó đúng hay không? Với mình, mình xác định mục tiêu đó đúng với mình thông qua nhận diện những cảm xúc của mình.
Nếu đó là điều bạn thực sự muốn làm, bạn sẽ bị nó ám ảnh tới mức, bạn sẽ thường có những cảm giác như hoang hoải, luẩn quẩn, ham muốn, nhiều khi còn chìm trong u mê và nghĩ về nó.
Mục tiêu cần mang tính khả thi, và trong tầm tay bạn. Bạn cần tin rằng mình sẽ làm được điều đó.
Hồi cuối năm 2019, khi học xong khóa thông minh cảm xúc và bắt đầu tìm hiểu nghề coach, mình có một mục tiêu “thường trực” trong đầu mình là hoàn thành khóa đào tạo coach được cấp chứng chỉ bởi Liên đoàn Khai vấn quốc tế. Chưa đủ tiền học, mình cứ lên web xem, coi thật nhiều bên, đọc thật nhiều web, theo dõi thật nhiều anh chị là coach. Mình thực sự gặm nhấm nó miết trong 2 năm qua cho đến tháng 4/2020 vừa rồi, và mình đã như ý nguyện.
Mình có ước mơ đi du học từ nhỏ, nó ám ảnh mình trong mọi hành trình, trong mọi dự định. Giờ đây mình đang viết lại bài này ở một đất nước xa xôi.
Mình có mong muốn được làm việc ở nước ngoài. Nguyện ý của mình đã dẫn mình đến mục tiêu.

BƯỚC 2: ĐẶT TAY VIẾT ĐIỀU MÌNH MUỐN. VIẾT NÊN MỤC TIÊU CỦA MÌNH THÀNH CHỮ HOẶC GHI ÂM

Viết có sự mạnh nhiều hơn chúng ta tưởng, giúp chúng ta chữa lành, sáng tạo, và hơn hết là hằn sâu vào trong tâm trí chúng ta, nếu chúng ta muốn.
Bởi vậy, khi có một mục tiêu, bạn hãy viết nó ra, càng cụ thể càng tốt. Việc viết xuống như một sợi dây kết nối giữa bạn và mục tiêu. Khi bạn viết xuống, bạn sẽ càng cụ thể hóa được mục tiêu của mình, và biết mình sẽ làm gì tiếp theo để đạt được mục tiêu đó.

BƯỚC 3: CHỌN MỘT MÓC THỜI GIAN HOÀN THÀNH MỤC TIÊU

Cuộc sống là hữu hạn, và ai cũng có 24h như nhau. Nếu bạn không chọn một móc thời gian làm điểm dừng, hoặc điểm nhìn lại mục tiêu của bạn, thì có lẽ mục tiêu của bạn sẽ không bao giờ được thực hiện.
Đôi khi, bạn cần tạo cho mình một chút áp lực về thời gian, để tích lũy tài sản thời gian cuộc đời của mình. Và quan trọng hơn, dành phần còn lại cho những lĩnh vực khác của cuộc sống.
Chọn móc thời gian cần hợp lý, và không khiến bạn đánh đổi quá nhiều.
Mình từng làm ngày làm đêm để mong được lên chức trưởng phòng, nhưng khi bị xuất huyết dạ dày thêm vào đó là chảy máu cam thì mình dừng lại. Mình chưa đạt được điều mình muốn đã phá hoại hết những tài sản tự thân vốn có của mình.
Và khi mình sắp xếp một nhịp chậm hơn thì mục tiêu của mình đến trong an bình, vui mừng và hoàn toàn xứng đáng với công sức mình bỏ ra.

BƯỚC 4: XÁC ĐỊNH NGUỒN LỰC BẠN CÓ ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU

Nhìn lại những gì mình đã đặt ra ở hai bước trên, với mục tiêu đó, trong khoảng thời gian đó, nguồn lực mình có để thực hiện mục tiêu là gì? Có thể bạn sẽ phải xác định những nội dung như:
– Thời gian: Mình có bao nhiêu thời gian trong ngày, tháng, năm để thực hiện việc này?
– Tài chính: Mình cần bao nhiêu, có bao nhiêu, ai có thể hỗ trợ, còn cách nào khác để có thể có tài chính nữa không?
– Nhân lực: Mục tiêu của mình có cần sự giúp đơ của người khác không? Ai có thể giúp mình, nếu chưa có trong vòng kết nối, mình có thể tìm kiếm sự giúp đỡ nhân lực này ở đâu?
– Tài lực (Kiến thức): Để đạt được mục tiêu, mình cần phải biết những gì, học những gì, ở đâu, ai dạy, như thế nào….
– Cuối cùng, bạn có cần sự động viên hay đồng hành của ai đó để bạn cảm thấy yên tâm hơn không?

BƯỚC 5: CHỌN VIỆC SẼ LÀM ĐỂ HOÀN THÀNH MỤC TIÊU

Sau khi đã phân tích hết về mục tiêu, việc cần làm là lập một danh sách việc cần làm để đạt được thứ mình muốn. Trong đám list dài ngoằng đó, chọn cái nào?
Có vài cách để chọn:
1 là theo trình tự: Theo thứ tự các công việc mà bạn cần làm. Có cái này rồi mới làm được cái kia
2 là theo việc ưu tiên: Công việc nào quan trọng hơn, công việc nào ít quan trọng hơn.
3 là theo độ dễ thực hiện: Cái nào dễ làm trước
Mục tiêu đã được chia nhỏ theo thời gian, hạng mục và khả năng thực hiện. Việc của bạn là bước tiếp theo.

BƯỚC 6: JUST DO IT. CỨ LÀM THÔI

Muốn làm gì đó! hãy hành động nhanh chóng. Muốn đặt được mục tiêu, hãy thực hiện nó. Hành trình của mục tiêu là cứ làm thôi
Mình có một câu tâm niệm, nếu muốn làm gì đó, hãy làm thật nhanh, bởi khi nếu nó sai, là mình đã sai nhanh để tranh thủ tìm ra cái đúng sớm nhất. “Fail Fast”

BƯỚC 7: NHÌN LẠI VÀ ĐIỀU CHỈNH MỤC TIÊU

Hãy luôn đặt cho mình thời gian nhìn lại và điều chỉnh. Mình có đang đi quá chậm, quá nhanh, hay chệch hướng so với mục tiêu của mình.
Mình đang ở đâu trên bản đồ mục tiêu mà mình vẽ ra. Định vị và đưa mình về đúng vị trị mình cần hiện diện ở đó. Điều chỉnh mình chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt là chuyện chấp nhận mình làm sai và làm lại.
Vậy nên, hãy luôn nhìn lại và đừng bỏ quên mục tiêu của mình. Bám lấy nó cho đến khi về đích nhé.

You Might Also Like

No Comments

    Leave a Reply