Đọc và Viết Tản Mạn

CÁCH MÌNH VƯỢT QUA SỰ PHÁN XÉT

CÁCH MÌNH VƯỢT QUA SỰ PHÁN XÉT

Một trong những chức năng cơ bản nhất để thể hiện rằng con người đang tồn tại đó chính là khả năng suy nghĩ và đưa ra những nhận định. Bộ não của chúng ta có chức năng tiếp thu và xử lý thông tin, sau đó đưa ra những tín hiệu phản hồi để biết rằng chúng ta đã ở đó. Trong rất nhiều cách để phản hồi khác nhau, có một cách chúng ta hay dùng trong vô thức, đó chính là đưa ra những lời phán xét người khác. Và thường những lời đó sẽ gây tổn thương đến đối tượng bị phán xét, cho dù đôi khi chúng ta không cố ý làm điều đó.

PHÁN XÉT NGƯỜI KHÁC VÀ BỊ NGƯỜI KHÁC PHÁN XÉT.

Có ai dám khẳng định rằng mình chưa bao giờ rơi vào một trong hai trường hợp trên. Khi bị người khác phán xét, những cảm xúc nào đã đến lúc đó? Tổn thương, khó chịu, ấm ức, u uất, lo sợ.. có giây phút nào đó bạn thoáng qua hoặc cảm nhận rõ điều này.
Quay chiều góc nhìn, chúng ta quay về với trạng thái khi mình đưa ra một lời phán xét dành cho người khác. Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao chúng ta phải nói những lời đó. Khi quyết định đi đến hành động đó, bạn đang ở trong tâm thế như thế nào?

ĐẰNG SAU NHỮNG PHÁN XÉT VÀ LỜI CHƯA NÓI.

Tất cả những hành động hoặc lời nói của con người đều ẩn chứa sau đó một nhu cầu hoặc mong muốn được bày tỏ giá trị nào đó từ bản thân mình. Chậm lại một phút, suy nghĩ vài giây về lần trải nghiệm bị phán xét và phán xét, soi chiếu mình xem lúc đó mình đang muốn bày tỏ điều gì? Đối phương có đang hiểu những giá trị, quan điểm mà mình đưa ra? Hay là họ chỉ đang bảo vệ chính họ và cảm thấy đang bị xâm phạm. Bạn và đối tượng giao tiếp của bạn đã thực sự “nói chuyện cùng một ngôn ngữ”?
Làm sao để đối diện với phán xét của người khác

Làm sao để đối diện với phán xét của người khác

LÀM GÌ KHI BỊ PHÁN XÉT?

Nếu lỡ như một ngày chưa đẹp trời, bạn nhận được một lời phán xét. Sau đó bạn trở nên phòng vệ, đóng kín cánh cổng vào tâm hồn giao tiếp với bạn. Bạn cũng bắt đầu lo lắng và sợ hãi thì chắc chắn rằng, những hành động tiếp theo sẽ có thể gây tổn thương cho người khác. Có thể chúng ta sẽ nói lời tổn thương, hoặc có hành động xâm hại đến người khác.
Để thoát ra khỏi vũng lầy này, chúng ta có thể
Đầu tiên, hãy nhận diện cảm xúc của chính mình.
Tiếp theo, hỏi lại xem đối phương đang cố muốn nói điều gì với mình.
Sau đó, bày tỏ mình một cách chân thật (bao gồm cả cảm xúc và nhu cầu)
Cuối cùng, hãy cùng đưa ra những lời đề nghị để hai bên có thể thống nhất chung cho lần giao tiếp này những lần giao tiếp sau.

LÀM SAO ĐỂ BÀY TỎ MÌNH MÀ KHÔNG PHÁN XÉT NGƯỜI KHÁC?

Tất cả chúng ta sau khi quan sát hoặc tiếp thu xong sẽ luôn có đánh giá và phán xét. Và như một thói quen, chúng ta gắn điều đó lên đối tượng, từ đó về sau, nếu không có một cột mốc xảy đến, chúng ta mặc định họ giống như chúng ta đã biết trước đó. Chúng ta thường đánh giá người khác trong vô thức và phải cần rất nhiều tỉnh thức để nhận ra mình đang làm điều đó.
Bạn có thực sự biết về người mà bạn đang giao tiếp?
Đối tượng của bạn là do bạn nghĩ vậy, hay thực sự họ như vậy?
Ví dụ: Khi bày tỏ quan điểm “ Cách bạn viết dài và nhiều chữ rất chán”. Bạn hoàn toàn có thể đổi thành “Tôi cảm thấy e ngại với các bài viết dài, tôi mong muốn tiết kiệm thời gian và thoải mái hơn với các bài viết ngắn gọn, súc tích”.
Chúng ta có quyền suy nghĩ và cảm nhận, nhưng điều quan trọng là không định nghĩa người khác trên suy nghĩ và cảm nhận đó.
Hãy thật rõ ràng, đây là quan điểm cá nhân của mình và trình bày trong hòa bình, chắc chắn, người giao tiếp của bạn sẽ cảm nhận được điều đó.

Hôm nay, mình cảm thấy bị phán xét.

You Might Also Like

No Comments

    Leave a Reply